Hiện nay, khi tiến hành thành lập công ty ngoài những thắc mắc về vốn, thuế hay ngành nghề kinh doanh các chủ thể còn rất băn khoăn về việc thành lập công ty có cần kế toán không. Bởi lẽ doanh nghiệp sẽ cần có kế toán để giải quyết các vấn đề về sổ sách, kê khai thuế hay thực hiện thu chi cho doanh nghiệp. Do đó, hãy cùng Song Thinh Law tìm hiểu qua bài viết dưới đây để giải đáp thắc mắc trên.
1. Các chức danh phải có khi tiến hành thành lập công ty
Tùy theo loại hình doanh nghiệp mà pháp luật sẽ có những quy định riêng về cơ cấu tổ chức quản lý. Ví dụ:
+ Đối với loại hình công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu sẽ phải có người đại diện theo pháp luật giữ một trong các chức danh Chủ tịch công ty, Giám Đốc hoặc Tổng Giám Đốc.
+ Đối với loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
2. Thành lập Công ty có bắt buộc phải có kế toán?
Hiện nay, không có quy định nào bắt buộc về việc phải có kế toán thì mới được tiến hành thành lập công ty.
Doanh nghiệp sẽ được cấp phép thành lập khi có đủ các thông tin và giấy tờ cần thiết. Tuy nhiên, khi tiến hành hoạt động kế toán sẽ đóng vai trò tương đối quan trọng trong việc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài việc kê khai thuế, báo cáo tài chính,…kế toán doanh nghiệp còn là người nắm được rõ tình hình tài chính hiện tại mà công ty đang có dựa trên mối tương quan giữa doanh thu và khoản chi phí. Điều này cũng sẽ giúp cho chủ doanh nghiệp có được cái nhìn trực quan và cụ thể hơn về những gì mà doanh nghiệp của mình cần phải làm trong tương lai.
Về việc bố trí kế toán trưởng, phụ trách kế toán trưởng pháp luật có quy định rằng: Đơn vị kế toán phải bố trí kế toán trưởng trừ các đơn vị quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp đơn vị chưa bổ nhiệm được ngay kế toán trưởng thì bố trí người phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định. Thời gian bố trí người phụ trách kế toán tối đa là 12 tháng, sau thời gian này đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán trưởng.
Phụ trách kế toán: (…)
b) Các doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp Luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng. …”
Như vậy, nếu doanh nghiệp của bạn là doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ không phải bố trí kế toán trưởng mà chỉ cần bố trí người phụ trách kế toán. (doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có dưới 10 lao động). Nếu không thuộc trường hợp trên, doanh nghiệp phải bố trí người phụ trách kế toán tối đa là 12 tháng, sau đó bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng.
3. Kế toán phải là nhân viên của doanh nghiệp hay thuê bên ngoài được không?
Như đã đề cập, khi tiến hành hoạt động kinh doanh doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế theo quy định của pháp luật. Những nghĩa vụ này cần người có nghiệp vụ cũng như có kiến thức chuyên sâu.
Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp đã thành lập nhưng khi hoạt động lại không có kế toán từ đó dẫn đến không hoàn thành nghĩa vụ về thuế phát sinh những khoản nợ thuế, khoản phạt và có các trường hợp bị khóa mã số thuế. Hệ lụy hơn là các chủ doanh nghiệp này sẽ không được xuất cảnh ra nước ngoài.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Kế Toán 2015, khoản 1 Điều 22 và khoản 1, 2, 3 Điều 3 Nghị định 174/2016/NĐ-CP, thì những đối tượng được thuê đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán để làm kế toán hoặc làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán bao gồm:
(1) – Đơn vị kế toán trong lĩnh vực kinh doanh
bao gồm doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; ban quản lý dự án, đơn vị khác có tư cách pháp nhân do doanh nghiệp thành lập.
(2) – Tổ chức, đơn vị sự nghiệp không sử dụng ngân sách nhà nước.
(3) – Đơn vị kế toán khác
là các đơn vị kế toán không thuộc Đơn vị kế toán trong lĩnh vực kinh doanh và Đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước.
Theo đó, có thể khẳng định rằng Công ty được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam thì sẽ được thuê dịch vụ kế toán, dịch vụ làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán bên ngoài.
=> Do đó, để tránh các trường hợp xảy ra các vấn đề phát sinh liên quan đến thuế thì các doanh nghiệp đã thành lập có thể nhờ hoặc thuê người có nghiệp vụ kế toán để thực hiện đúng các nghĩa vụ về thuế. Còn đối với các công ty vừa thành lập và chưa hoạt động nhiều, không có ngân sách để thuê kế toán riêng cho công ty thì Công ty có thể thuê các đơn vị dịch vụ kế toán để tiết kiệm chi phí doanh nghiệp.
Từ những thông tin trên có thể thấy, theo quy định của pháp luật hiện hành không có quy định nào bắt buộc về việc khi tiến hành thành lập doanh nghiệp phải có kế toán. Tuy nhiên, để tránh việc vi phạm các nghĩa vụ thì doanh nghiệp khi hoạt động cần phải bố trí kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán tùy theo loại hình doanh nghiệp.
Trên đây là những chia sẻ của Luật Song Thịnh liên quan đến vấn đề thành lập doanh nghiệp có cần kế toán không và cùng với những lưu ý liên quan. Hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích với bạn.