An toàn thực phẩm và thủ tục cấp giấy chứng nhận!

An toàn thực phẩm để bảo vệ người tiêu dùng, người sản xuất. Luật buộc mọi cá nhân tổ chức phải đảm bảo an toàn thực phẩm suốt quá trình kinh doanh

Thực phẩm và nguy cơ ngộ độc

Việc ăn uống hàng ngày là hoạt động tưởng như bình thường nhất của của mỗi con người chúng ta, đồng thời là hoạt động cực kỳ quan trọng không thể thiếu để con người duy trì sự sống. Chính vì vậy, đây cũng là một trong những con đường nguy hiểm nhất lây truyền các loại bệnh tật, chất độc hại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của con người. Vì lẽ đó An toàn thực phẩm luôn là yếu tố quan trọng cần phải thực hiện khi sản xuất kinh doanh thực phẩm.

Theo thống kê năm 2021, cả nước đã ghi nhận được 81 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1942 người mắc và 18 trường hợp tử vong. Và hàng năm, các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn cứ liên tiếp xảy ra, thường xuyên có nhiều người phải nhập viện vì ăn phải đồ lạ, thực phẩm không an toàn.

Làm thế nào để đảm bảo an toàn thực phẩm?

Để đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng người dân, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm từ lâu đã được Chính phủ nước ta đặc biệt quan tâm chú trọng và đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, cụ thể là Pháp lệnh về VS ATTP  năm 2003, và sau đó được thay thể bằng Luật an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2010 hiện hành, trong đó quy định yêu cầu tối thiểu nhất về an toàn thực phẩm là phải “đảm bảo để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người” (khoản 1 Điều 2 Luật ATTP phẩm 2010).

Tại Điều 3 Luật an toàn thực phẩm năm 2010 cũng có quy định:

“1. Đảm bảo ATTP  là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

  1. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm là hoạt động có điều kiện; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh.…”

Như vậy, mọi tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều phải đáp ứng đủ điều kiện đảm bảo ATTP  để có thể đi vào hoạt động.

Các điều kiện về đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh

Các điều kiện về đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm được quy định cụ thể tại Chương IV Luật  an toàn thực phẩm 2010.

Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo các điều kiện chung cơ bản gồm:

– Có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác;

– Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

– Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại;

– Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

–  Duy trì các điều kiện bảo đảm ATTP  và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

– Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

– Nơi bảo quản và phương tiện bảo quản phải có diện tích đủ rộng để bảo quản từng loại thực phẩm riêng biệt, có thể thực hiện kỹ thuật xếp dỡ an toàn và chính xác, bảo đảm vệ sinh trong quá trình bảo quản;

– Ngăn ngừa được ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, động vật, bụi bẩn, mùi lạ và các tác động xấu của môi trường; bảo đảm đủ ánh sáng; có thiết bị chuyên dụng điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khí hậu khác, thiết bị thông gió và các điều kiện bảo quản đặc biệt khác theo yêu cầu của từng loại thực phẩm;

– Tuân thủ các quy định về bảo quản của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

– Phương tiện vận chuyển thực phẩm được chế tạo bằng vật liệu không làm ô nhiễm thực phẩm hoặc bao gói thực phẩm, dễ làm sạch;

– Bảo đảm điều kiện bảo quản thực phẩm trong suốt quá trình vận chuyển theo hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh;

– Không vận chuyển thực phẩm cùng hàng hoá độc hại hoặc có thể gây nhiễm chéo ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm.

Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải tuân thủ các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm như sau:

– Có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm;

– Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

– Có trang thiết bị phù hợp để sản xuất, kinh doanh thực phẩm không gây độc hại, gây ô nhiễm cho thực phẩm;

– Sử dụng nguyên liệu, hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm;

– Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

– Thu gom, xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

– Duy trì các điều kiện bảo đảm ATTP  và lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc thực phẩm.

Ngoài ra, tùy thuộc loại hình, nội dung hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm cụ thể, các cơ sở còn phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện như:

– Điều kiện bảo đảm ATTP  trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống. (quy định tại Điều 23, 24 Luật an toàn thực phẩm 2010)

– Điều kiện bảo đảm ATTP  trong sơ chế, chế biến thực phẩm, kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến (quy định tại Điều 25, 26, 27 Luật an toàn thực phẩm 2010)

– Điều kiện bảo đảm ATTP  trong kinh doanh dịch vụ ăn uống (quy định tại Điều 28, 29, 30 Luật an toàn thực phẩm 2010)

– Điều kiện bảo đảm ATTP  trong kinh doanh thức ăn đường phố (quy định tại Điều 31, 32 Luật an toàn thực phẩm 2010)

Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Đây là một loại văn bản pháp lý được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Có đủ điều kiện bảo đảm ATTP  phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định đã được nêu phía trên.

– Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Như vậy, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là văn bản pháp lý xác nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện ATTP , là văn bản pháp lý bắt buộc để cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có thể đi vào hoạt động, trừ các trường hợp sau:

– Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;

– Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;

– Sơ chế nhỏ lẻ;

– Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;

– Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;

– Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;

– Nhà hàng trong khách sạn;

– Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;

– Kinh doanh thức ăn đường phố;

– Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về ATTP  (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.

(căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 11 và Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm)

Cơ sở thuộc các trường hợp trên không phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP , nhưng vẫn phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tương ứng.

Trình tự, thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:

Để xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP , các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm chuẩn bị bộ hồ sơ nộp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền gồm:

– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP;

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

– Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh ATTP  theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

– Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;

– Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.

Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm các cơ quan:

– Bộ Y tế quy định (đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc phụ lục II Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm)

– Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định (đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc phụ lục III Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP)

– Bộ Công thương quy định (đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc phụ lục IV Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP)

Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện đảm bảo ATTP  tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp Giấy chứng nhận xét thấy đủ điều kiện hoặc trong trường hợp từ chối thì trả lời bằng văn bản từ chối và nêu rõ lý do.

Thời hạn Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:

Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP   có hiệu lực trong thời gian 3 năm kể từ ngày cấp.

Trước 6 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận hết hạn, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp vẫn tiếp tục sản xuất, kinh doanh.

Trên đây là một số thông tin công ty Luật Song Thịnh cung cấp để các bạn tham khảo, nếu cần tư vấn và thực hiện dịch vụ vui lòng liên hệ chúng tôi theo số điện thoại luật sư tư vấn: 0945076879. Xin cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi và hẹn gặp lại. 

Luật gia Triệu Vỹ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon