PHÁP LÝ phòng cháy chữa cháy PCCC

Thực trạng phòng cháy chữa cháy Việt Nam

Hằng năm tại nước ta vẫn thường xuyên xảy ra nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng cho tính mạng con người và tài sản. Theo thông cáo báo chí của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chỉ riêng trong hai tháng 9, 10/2022 vừa qua, cả nước đã xảy ra 244 vụ cháy làm chết 41 người, bị thương 37 người, tài sản thiệt hại ước tính lên đến 46,81 tỷ đồng. Trong đó, vụ cháy quán Karaoke vào tháng 9 tại khu vực tỉnh Bình Dương làm 32 người chết, 17 người bị thương đã khiến dư luận vô cùng quan tâm, thương tiếc.

Theo kết quả điều tra, các vụ cháy xảy ra thường do các sự cố, bất cẩn khi sử dụng thiết bị điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, tập trung chủ yếu tại các khu vực khu dân cư, nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh; các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ,…

Giải pháp phòng cháy chữa cháy

Vì an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của mình và xã hội, PCCC  là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đặc biệt đối nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, kho bãi chứa hàng,… của doanh nghiệp, phòng cháy chữa cháy là một trong những điều kiện pháp lý bắt buộc và cần thiết để doanh nghiệp có thể hoạt động sản xuất kinh doanh đúng quy định.

Cơ sở nào thuộc diện quản lý phòng cháy chữa cháy

Theo Phụ lục I Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, các cơ sở thuộc diện quản quản lý về PCCC  bao gồm:

– Trụ sở cơ quan nhà nước các cấp.

– Nhà chung cư; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá; nhà hỗn hợp.

– Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non; trường tiểu học, trung học cơ sở; trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học; trường cao đẳng, đại học, học viện; trường trung cấp chuyên nghiệp; trường dạy nghề; cơ sở giáo dục thường xuyên; cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục.

– Bệnh viện; phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế, cơ sở y tế khác được thành lập theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

– Nhà hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc; trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện; nhà văn hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; quán bar, câu lạc bộ, thẩm mỹ viện, kinh doanh dịch vụ xoa bóp, công viên giải trí, vườn thú, thủy cung.

– Chợ; trung tâm thương mại, điện máy; siêu thị; cửa hàng bách hóa; cửa hàng tiện ích; nhà hàng, cửa hàng ăn uống.

– Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ; nhà trọ, cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch.

– Nhà làm việc của các doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội.

– Bảo tàng, thư viện; nhà triển lãm; nhà trưng bày, nhà lưu trữ, nhà sách, nhà hội chợ; cơ sở tôn giáo.

– Bưu điện, cơ sở truyền thanh, truyền hình, viễn thông; nhà lắp đặt thiết bị thông tin; trung tâm lưu trữ, quản lý dữ liệu.

– Sân vận động; nhà thi đấu thể thao; cung thể thao trong nhà; trung tâm thể dục, thể thao; trường đua, trường bắn; cơ sở thể thao khác được thành lập theo Luật Thể dục, thể thao.

– Cảng hàng không; đài kiểm soát không lưu; bến cảng biển; cảng cạn; cảng thủy nội địa; bến xe khách; trạm dừng nghỉ; nhà ga đường sắt; nhà chờ cáp treo vận chuyển người; công trình tàu điện ngầm; cơ sở đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới; cửa hàng kinh doanh, sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, mô tô, xe gắn máy.

– Gara để xe ô tô, bãi trông giữ xe được thành lập theo quy định của pháp luật.

– Hầm đường bộ, hầm đường sắt có chiều dài từ 500 m trở lên.

– Cơ sở hạt nhân; cơ sở sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; kho vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ; cảng xuất, nhập vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ; kho vũ khí, công cụ hỗ trợ.

– Cơ sở khai thác, chế biến, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, bảo quản dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt trên đất liền; kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, kho khí đốt; cảng xuất, nhập dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt; cửa hàng kinh doanh xăng dầu, cửa hàng kinh doanh chất lỏng dễ cháy; cửa hàng kinh doanh khí đốt.

– Cơ sở công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B, C, D, E.

– Nhà máy điện; trạm biến áp có điện áp từ 110 kV trở lên.

– Hầm có hoạt động sản xuất, bảo quản, sử dụng chất cháy, nổ; kho hàng hóa, vật tư cháy được hoặc hàng hóa, vật tư không cháy đựng trong các bao bì cháy được; bãi chứa hàng hóa, vật tư, phế liệu cháy được có diện tích từ 500 m2 trở lên.

– Cơ sở khác không thuộc danh mục trên có trạm cấp xăng dầu nội bộ hoặc có sử dụng hệ thống cấp khí đốt trung tâm có tổng lượng khí sử dụng từ 70kg trở lên.

– Nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình

Theo đó, mọi cơ quan, tổ chức có một hoặc nhiều cơ sở thuộc danh mục trên, hoặc cơ sở thuộc danh mục trên có một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức cùng hoạt động đều thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy. Cần phải đáp ứng đủ các điều kiện an toàn về PCCC  tại cơ sở theo quy định pháp luật trước khi đưa vào hoạt động và phải duy trì trong suốt quá trình hoạt động.

Điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy là gì?

Điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở được quy định cụ thể tại Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, theo đó ta có thể phân loại thành các nhóm điều kiện chính gồm:

– Điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng:

Nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn; Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy; hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp theo quy định;….

– Điều kiện về lực lượng phòng cháy, chữa cháy tương ứng với loại hình cơ sở;

Bồi dưỡng nghiệp vụ, phân công chức trách, nhiệm vụ cho người làm nhiệm vụ PCCC theo quy định;…

– Điều kiện về thủ tục, giấy tờ pháp lý:

Phương án chữa cháy được cấp thẩm quyền phê duyệt; Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy;…

Tùy thuộc vào loại hình cơ sở được quy định trong các Phụ lục III, Phụ lục IV, Phụ lục V Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, cần phải đáp ứng các điều kiện an toàn PCCC  đối với cơ sở tương ứng theo quy định.

Trên đây là giới thiệu sơ lược về tính quan trọng của PCCC  và những điều kiện pháp lý về PCCC mà doanh nghiệp cần phải đáp ứng trước khi đưa các cơ sở sản xuất, kinh doanh vào hoạt động đúng quy định pháp luật, đồng thời cũng đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của người lao động và của doanh nghiệp.

Đối với những vấn đề pháp lý cụ thể còn vướng mắc cần được hỗ trợ xin vui lòng liên lệ Công ty Luật TNHH MTV Quốc Tế Song Thịnh để được tư vấn cụ thể.

LG Triệu Vỹ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon