Bạn đọc Thanh Hà có câu hỏi gửi về Công ty luật quốc tế Song Thịnh: Tôi có dự định kinh doanh sữa hạt, vậy khi đăng ký giấy phép kinh doanh để hoạt động sau đó tôi có phải đóng thuế như doanh nghiệp lớn khác không?
Công ty luật quốc tế Song Thịnh trả lời câu hỏi trên như sau :
Trước hết ta nên tìm hiểu Hộ kinh doanh là gì? Một số quy định về hộ kinh doanh?
Hiện nay không có quy định nào định nghĩa về hộ kinh doanh. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có quy định: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ”.
Ø Chủ hộ kinh doanh Theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì chủ hộ kinh doanh là một trong các đối tượng sau:
– Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh;
– Người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Vì Hộ kinh doanh gắn chặt với tư cách pháp lý của chủ sở hữu nên cá nhân, hộ gia đình là chủ sở hữu hộ phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động của Hộ kinh doanh. Do đó, nghĩa vụ nộp thuế và loại thuế phải nộp khi kinh doanh mô hình này sẽ quy về thuế của cá nhân chứ không phải là thuế của doanh nghiệp.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (sau đây gọi là Luật Quản lý thuế 2019) thì:
“Mọi tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của luật”. Theo đó, hộ kinh doanh chính là một trong những chủ thể kinh doanh có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.
Mặc dù Hộ kinh doanh cũng có mã số thuế, có nghĩa vụ nộp thuế từ việc kinh doanh nhưng nó không mang bản chất là một doanh nghiệp và không tồn tại như một doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020. Do đó, có thể hiểu rằng Hộ kinh doanh sẽ không nộp thuế giống như doanh nghiệp được.
Tùy vào ngành nghề, lĩnh vực hoạt động mà HKD sẽ phải nộp các loại thuế tương ứng theo quy định của Luật thuế chuyên ngành.
Các loại thuế Hộ kinh doanh phải nộp?
Theo quy định của Luật quản lý thuế 2019, HKD cần phải nộp các loại thuế sau đây:
Thuế môn bài;
Thuế giá trị gia tăng (GTGT);
Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
Các loại thuế khác (tùy vào ngành nghề kinh doanh mà pháp luật có liên quan quy định phải nộp).
1. Lệ phí (thuế) môn bài
Căn cứ vào khoản 2 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí môn bài đối với hộ kinh doanh được xác định theo mức doanh thu bình quân hàng năm. Cụ thể:
Doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;
Doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;
Doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.
Ngoài ra, theo Điều 3 Nghị định 139 được sửa đổi bởi điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP quy định về việc miễn lệ phí môn bài đối với những hộ kinh doanh dưới đây:
Hộ kinh doanh sản xuất muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá;
Hộ kinh doanh không thường xuyên, không có địa điểm cố định;
Hộ kinh doanh thành lập sau ngày 25/02/2020: miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/12).
2. Thuế giá trị gia tăng
Theo quy định tại Điều 2 Luật thuế giá trị gia tăng 2008:
“Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.”
Loại thuế này đánh vào phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ, từ khi nó được sản xuất ra, đến khi luân chuyển qua các khâu lưu thông và cuối cùng là phân phối cho người tiêu dùng.
Mỗi khâu nói trên đều làm cho hàng hóa, dịch vụ tăng thêm một phần giá trị. Tuy nhiên, người cuối cùng hưởng được giá trị của hàng hóa, dịch vụ chính là người tiêu dùng. Vì thế mà người tiêu dùng là người sẽ phải chịu loại thuế này, bằng cách là tiền thuế sẽ tính vào giá cả hàng hóa.
Người tiêu dùng là người chịu thuế, vậy tại sao hộ kinh doanh vẫn phải nộp thuế GTGT?
Người chịu thuế và người nộp thuế là hai thuật ngữ khác nhau. Người chịu thuế là người thật sự chi trả tiền của mình vào tiền thuế nộp cho Nhà nước. Còn người nộp thuế là người sẽ mang tiền đi nộp. Trong nhiều trường hợp, người nộp thuế cũng chính là người chịu thuế.
Với thuế GTGT thì người nộp và người chịu thuế không trùng nhau. Điều này cũng dễ hiểu, vì người tiêu dùng không thể cứ mua 1 loại hàng hóa, sử dụng 1 dịch vụ lại phải đi kê khai nộp thuế. Để tránh sự bất tiện cho người tiêu dùng và cơ quan thuế, các cơ sở sản xuất, kinh doanh (nơi cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra thị trường) sẽ là bên tổng kết nộp thuế GTGT để thuận tiện và hệ thống hơn.
Ø Đó là lý do mà Hộ kinh doanh phải nộp thuế GTGT.
3. Thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thì hộ kinh doanh phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
– Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là khoản tiền mà một cá nhân có thu nhập cần phải trích ra để nộp vào ngân sách nhà nước, nếu tổng nguồn thu nhập của người này thuộc vào mức phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Luật.
Tại sao hộ kinh doanh phải đóng thuế thu nhập cá nhân?
Dựa trên tư cách pháp lý để nộp thuế thì theo quy định của pháp luật sẽ có hai loại thuế theo tư cách pháp lý của người nộp, gồm:
Doanh nghiệp, các tổ chức khác: nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Cá nhân: nộp thuế thu nhập cá nhân
Hộ kinh doanh chính là một cơ sở sản xuất do cá nhân hoặc hộ gia đình đăng ký thành lập và làm chủ sở hữu. Nó không phải là doanh nghiệp hay là một tổ chức có tư cách pháp nhân mà tư cách pháp lý của nó gắn liền với chủ sở hữu là một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình. Vì vậy, không phải là đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Có nghĩa là, Hộ kinh doanh phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Và cá nhân phải nộp thuế chính là chủ Hộ kinh doanh.
Trường hợp nào Hộ kinh doanh không phải đóng Thuế GTGT và Thuế TNCN?
Theo Nguyên tắc tính thuế được đặt ra với HKD, không phải mọi HKD đều phải nộp Thuế GTGT và Thuế TNCN. Mà chỉ khi tổng doanh thu (cộng, trừ tất cả các nguồn doanh thu thuộc vào loại doanh thu chịu thuế) đạt 100 triệu đồng/năm trở nên mới phải đóng các loại thuế trên. Nghĩa là, hộ kinh doanh nào có tổng doanh thu trong năm dương lịch dưới 100 triệu đồng/năm thì sẽ không phải nộp thuế.
Nói tóm lại, nếu bạn thành lập một hộ kinh doanh, trước hết bạn phải chịu lệ phí môn bài như một khoản tiền để được cấp quyền hợp pháp hoạt động cho HKD của bạn. Sau đó, tùy vào nhiều yếu tố hoạt động của hộ kinh doanh: như ngành nghề, quy mô,…mà có cách khai thuế, nộp thuế GTGT và thuế TNCN theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019 và Thông tư 40/2021. Cuối cùng, tùy vào tổng mức doanh thu chịu thuế của hộ kinh doanh của bạn trong năm dương lịch có đạt 100 triệu đồng/năm hay không để biết mình có cần phải nộp thêm thuế GTGT và thuế TNCN hay không.
TTS Cẩm Vân – Kim Thuỷ ( Luật Kinh tế )