Biện pháp tự vệ là gì?
Biện pháp tự vệ trong thương mại quốc tế là việc tạm thời hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số hàng hoá khi việc nhập khẩu chúng tăng nhanh gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng đối với hàng hoá, không được áp dụng đối với dịch vụ, đầu tư hay sở hữu trí tuệ. Mỗi nước nhập khẩu là thành viên của WTO đều có quyền áp dụng biện pháp tự vệ, nhưng khi áp dụng thì họ phải đảm bảo tuân theo các quy định của WTO về điều kiện, thủ tục, cách thức áp dụng biện pháp tự vệ. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần chú ý đến biện pháp này để yêu cầu Chính phủ sử dụng nhằm bảo vệ lợi ích của mình trước hàng hoá nhập khẩu của nước ngoài khi cần thiết.
Để áp dụng biện pháp tự vệ, sự gia tăng về số lượng của hàng hoá nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Sự gia tăng này là gia tăng tuyệt đối (ví dụ lượng nhập khẩu tăng gấp 2 lần) hoặc tương đối so với sản xuất trong nước (ví dụ lượng hàng nhập khẩu hầu như không tăng nhưng cùng thời điểm đó lượng hàng sản xuất trong nước lại giảm mạnh);
– Sự gia tăng này phải mang tính đột biến (diễn ra đột ngột, nhanh và tức thời)
(Chú ý là theo điều kiện chung, sự gia tăng nhập khẩu này phải thuộc diện “không dự đoán trước được” vào thời điểm nước nhập khẩu đàm phán tham gia Hiệp định SG).
– Một số yếu tố lưu ý khi xác định “gia tăng nhập khẩu đột biến”
– Sự gia tăng về trị giá nhập khẩu không phải là yếu tố bắt buộc điều tra trong vụ việc tự vệ (Vụ Giầy dép – Achentina);
– Sự gia tăng lượng nhập khẩu cần được xem xét theo diễn tiến trong suốt giai đoạn điều tra chứ không chỉ đơn thuần là so sánh lượng nhập khẩu thời điểm đầu và cuối cuộc điều tra (Vụ Giầy dép – Achentina);
– Sự thay đổi về xu hướng thời trang và ảnh hưởng của nó đến cạnh tranh được xem là một việc không thể dự đoán trước bởi các nhà đàm phán (Vụ Mũ lông – Hoa Kỳ)
TTS Kim Thuỷ – Cẩm Vân ( Luật Kinh tế )