Thị thực, Visa, Hộ chiếu là gì? Khi nào được miễn thị thực?
Tại Việt Nam, cụm từ “thị thực” không còn xa lạ với mọi người, tuy nhiên mọi người đã hiểu đúng về nó hay chưa? Cùng nhau tìm hiểu những quy định về thị thực.
1) Thị thực là gì?
Thi thực (còn được gọi là Visa) là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo khoản 11 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014. Có thể thấy, “Visa” là từ ngữ được dùng nhiều trong cuộc sống và thông dụng hơn là “Thị thực” quy định trong Luật.
Mặt khác, nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa “Thị thực” và “Hộ chiếu”, vì hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân theo quy định của Luật Xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019. Đồng thời, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019 quy định “ Thị thực được cấp vào hộ chiếu, cấp rời hoặc cấp qua giao dịch điện tử. Thị thực cấp qua giao dịch điện tử là thị thực điện tử”, do đó, có thể thấy, 02 khái niệm này hoàn toàn khác nhau.
Ngoài ra, thị thực được cấp riêng cho từng người, trừ các trường hợp sau đây:
– Cấp thị thực theo cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ đối với trẻ em dưới 14 tuổi chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ;
– Cấp thị thực theo danh sách xét duyệt nhân sự của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài tham quan, du lịch bằng đường biển hoặc quá cảnh đường biển có nhu cầu vào nội địa tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức; thành viên tàu quân sự nước ngoài đi theo chương trình hoạt động chính thức của chuyến thăm ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu, thuyền neo đậu.
Thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần; thị thực điện tử và thị thực cấp cho trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019 có giá trị một lần.
Lưu ý:
Thị thực không được chuyển đổi mục đích, trừ các trường hợp sau đây:
– Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;
– Có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh;
– Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động;
– Nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Trường hợp chuyển đổi mục đích thị thực thì được cấp thị thực mới có ký hiệu, thời hạn phù hợp với mục đích được chuyển đổi.
2) Các trường hợp được miễn thị thực
Miễn thị thực/visa là việc người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam không cần xin giấy tờ visa. Các trường hợp được miễn visa hiện nay bao gồm:
– Theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
– Sử dụng thẻ thường trú, thẻ tạm trú theo quy định của Luật này.
– Vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
– Vào khu kinh tế ven biển do Chính phủ quyết định khi đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
– Thuộc trường hợp đơn phương miễn thị thực.
– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu và người nước ngoài là vợ, chồng, con của họ; người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam được miễn thị thực theo quy định của Chính phủ.
Xem thêm: Mua đất tại Việt Nam
Lưu ý: Nếu không thuộc những trường hợp được miễn thị thực nêu trên thì bắt buộc các đối tượng phải xin thị thực (xin visa) trước khi vào lãnh thổ Việt Nam.
Các bạn cần tư vấn và thực hiện dịch vụ liên hệ ngay Hotline 0945076879
Thuý Vy