STL – Sáng 17/2, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đến dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Trần Kim Yến. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Phan Kiều Thanh Hương và Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM Ung Thị Xuân Hương chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị
Đất đai là một nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng của quốc gia, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế, xã hội, chủ quyền và an ninh trật tự quốc phòng. Khi Luật Đất đai năm 2013 được áp dụng, việc quản lý, sử dụng đất đai trong nước, cũng như nền kinh tế – xã hội cũng đạt được những thành tích không hề nhỏ. Tuy nhiên, với tốc độ vận động và phát triển của đất nước, Luật Đất đai năm 2013 ngày càng nhiều điểm bất cập, biểu hiện rõ nhất là các trường hợp tranh chấp liên quan đến đất đai, các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai,… diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp. Chính vì vậy, việc xây dựng một hệ thống pháp luật đất đai hoàn thiện hơn đang là một trong những nhu cầu cấp thiết nhất trong giai đoạn phát triển đất nước.
Góp ý về việc thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Phó Ban Tư vấn dân chủ pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 1 Hoàng Thị Lợi cho biết, vừa qua một số nơi thu hồi nhà đất của dân, sau đó lại giao cho nhà đầu tư xây chung cư cao cấp, xây biệt thự bán giá cao chứ không liên quan gì đến lợi ích quốc gia, công cộng. Do vậy, đồng chí Hoàng Thị Lợi cho rằng, nếu việc thu hồi, sử dụng đất đúng theo quy định của luật, người dân sẽ tin tưởng chấp hành di dời.
Phó Ban Tư vấn dân chủ pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 1 Hoàng Thị Lợi góp ý Dự thảo Luật tại hội nghị.
Góp ý về “Quyền sử dụng đất (QSDĐ) là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu…”, Luật gia Nguyễn Thanh Bình cho rằng, trong nhiều năm qua, cá nhân, tổ chức được giao QSDĐ đã thực hiện quyền chuyển QSDĐ nhưng việc chuyển QSDĐ cũng không khác gì chuyển quyền sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Bên cạnh đó, rất nhiều công trình xây dựng nhà ở, công trình có mục đích kinh doanh khác đã thực hiện thu hồi đất, định giá đất để bồi thường không hợp lý, không đúng tính chất giao dịch dân sự dẫn đến kiện cáo, khiếu nại, tranh chấp.
Luật gia Nguyễn Thanh Bình
Góp ý về “ Thu tiền sử dụng đất”, ông Nguyễn Văn Nam – Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Pháp Luật Phía Nam đóng góp ý kiến:
1. Nếu tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phát sinh kinh doanh, thương mại phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước. Thay vì Luật Đất Đai 2013, cơ sở tôn giáo sử dụng đất đều được giao đất không thu tiền sử dụng đất.
2. Không nên bắt buộc tranh chấp đất đai, phải hoà giải cơ sở vì không hiệu quả, hoà giải lập đi lập lại suốt quá trình tố tụng dẫn đến mất thời gian. Tại hội thảo góp ý sửa đổi Luật Đất Đai đã được tổ chức tại Viện Nghiên Cứu Pháp Luật Phía Nam vào tháng 08/2022 đã được các nhà khoa học thống nhất thay đổi.
3. Bổ sung trường hợp sử dụng đất để xây dựng nhà ở tập trung cho người lao động làm việc trong các khu công nghiệp thuê, ký túc xá sinh viên, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ. Nếu dự án đó đáp ứng yêu cầu về kinh doanh như tầng trệt dự án, phần thương mại tập trung của dự án cần phải thu tiền sử dụng đất đối với phần này.
4. Đối với trả tiền thuê đất một lần hay hàng năm thì luật sửa đổi cần ưu tiên hoàn thiện quy chế trả tiền thuê đất hàng năm. Để quyền và nghĩa vụ của người thuê đất đóng tiền hằng năm tương xứng với giá trị đầu tư. Họ được quyền chuyển nhượng và cho thuê lại, nhằm tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất đai. Một phần lại giúp cho doanh nghiệp có thể tập trung nguồn tài chính để phát triển kinh doanh. Hơn là đóng tiền một lần, là gánh nặng tài chính đầu tư ban đầu cho doanh nghiệp, sau đó giá đất qua chu kỳ bị trượt giá làm thất thu ngân sách nhà nước.
Góp ý về “ Thu tiền sử dụng đất”, ông Nguyễn Văn Nam – Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Pháp Luật Phía Nam đóng góp ý kiến tại Hội nghị.
Đối với việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, một số ý kiến cho rằng, cần phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Bên cạnh đó, cần quan tâm hỗ trợ cho trẻ em chưa đến tuổi lao động, người khuyết tật, phụ nữ đang mang thai, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn theo quy định của pháp luật khi Nhà nước thu hồi đất.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có những điểm mới khi thực hiện tạo phấn khởi cho người dân và doanh nghiệp khi sử dụng đất cũng như có các quyền lợi và nghĩa vụ khi sử dụng đất. Các đại biểu mong muốn Ủy ban MTTQ các cấp phát huy hơn nữa vai trò giám sát của mình để Luật Đất đai phát huy tác dụng, tạo điều kiện cho người dân sử dụng đất đai có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, nhằm phát huy dân chủ, tập hợp trí tuệ của các Ủy viên, các tổ chức thành viên MTTQ Việt Nam TP, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn TP, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến ngày 15/3/2023. Để đảm bảo chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng và vì lợi ích Nhân dân, các ý kiến góp ý được tổng hợp đầy đủ, trung thực, kịp thời nhằm đạt được yêu cầu, chất lượng đề ra.
Ảnh: Anh Hoàng TGMTTQ TPHCM